Lịch sử hình thành

Lịch sử hình thành và phát triển

I. Lịch sử Khoa Luật UEH

  1. Giai đoạn tiền thân

Trường Đại học Luật Khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn là cơ sở đào tạo cử nhân Luật đầu tiên tại Miền Nam Việt Nam được thành lập năm 1955 và đào tạo cử nhân, cao học và tiến sĩ Luật Khoa trong giai đoạn 1955-1975.

Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 426-TTg về một số vấn đề cấp bách trong mạng lưới các trường đại học. Quyết định này đã chính thức thành lập Trường Đại học Kinh tế TPHCM (tên tiếng Anh là University Of Economics Ho Chi Minh City – viết tắt là UEH) thuộc Bộ Đại học (nay là Bộ giáo dục và Đào tạo) trên cơ sở cũ của Trường Đại học Luật Khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Mặc dù sử dụng toàn bộ cơ sở của Trường Đại học Luật Khoa, Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã hoàn toàn ngừng hoạt động đào tạo các ngành Luật từ thời điểm năm 1976 và chuyển sang thực hiện nhiệm vụ đào tạo các ngành kinh tế.

  1. Giai đoạn hình thành

Vào cuối những năm 1980, đáp ứng nhu cầu đưa các môn học luật vào đào tạo trong chương trình đại học các ngành kinh tế, trường đã đưa một số viên chức đã học Luật trước năm 1975 đi đào tạo cập nhập kiến thức pháp luật kinh tế, đồng thời tuyển dụng giảng viên tốt nghiệp từ Phân hiệu Đại học Pháp lý Hà Nội tại TPHCM để đào tạo kiến thức pháp luật kinh tế. Sau đó các môn học về pháp luật kinh tế cũng bắt đầu được đưa vào giảng dạy cho sinh viên khối ngành kinh tế với mục tiêu tăng cường kiến thức pháp luật cho cán bộ kinh tế.

Năm 1990, Bộ môn Luật kinh tế thuộc Khoa Quản trị kinh doanh được thành lập. Trưởng bộ môn là thầy Nguyễn Ngọc Hồ, một cựu sinh viên Cao học Luật của Luật Khoa Đại học đường trước năm 1975. Lúc mới thành lập, Bộ môn có 6 giảng viên gồm thầy Nguyễn Ngọc Hồ, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai (Phó trưởng bộ môn), cô Hồ Mỹ Ngọc, cô Nguyễn Thị Chúc, thầy Đặng Thành Chương (đều là các cựu học viên cao học Luật Khoa Sài Gòn) và cô Nguyễn Triều Hoa (cựu sinh viên tốt nghiệp từ Phân hiệu Đại học pháp lý Hà Nội tại TP. HCM). Bộ môn đảm trách giảng dạy các môn Luật dành cho sinh viên khối ngành kinh tế.

Năm 1994, Trường Đại học Kinh tế TPHCM thành lập Khoa Đại cương. Bộ môn Luật Kinh tế được chuyển từ Khoa Quản trị kinh doanh về trực thuộc Khoa Đại cương. Khoa tiếp tục đảm trách giảng dạy các môn học Pháp luật đại cương, Luật kinh tế và một số môn luật chuyên ngành cho sinh viên các ngành kinh tế như Luật thương mại, Luật du lịch…

Năm 1996, thực hiện Nghị định số 16/CP, ngày 27/01/1995 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Quốc gia TP. HCM, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM chính thức hợp nhất với Trường Đại học Tài chính Kế toán TPHCM và Khoa Kinh tế của Trường Đại học Tổng hợp TPHCM để trở thành Trường Đại học Kinh tế, một trường thành viên của Đại học Quốc gia TP. HCM.

Sau khi hợp nhất thành Trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM, Trường đã tổ chức lại Bộ môn Luật kinh tế. Giảng viên của Bộ môn được tập hợp từ các nguồn giảng viên dạy Luật thuộc hai trường là Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Trường Đai học Tài chính Kế toán TPHCM trước đó. Bộ môn Luật Kinh tế lúc này có thêm thầy Lê Văn Hưng, cô Dương Mỹ An (thuộc Trường Đại học Tài chính kế toán TPHCM cũ) và thầy Nguyễn Mỹ Phi Hùng (chuyển từ Toà án nhân dân tối cao tại TPHCM về). Thầy Lê Văn Hưng từ Trường Đại học Tài chính kế toán TPHCM (cũ) được bổ nhiệm làm Trưởng bộ môn Luật Kinh tế thuộc Khoa Đại cương.

Năm 1998 Bộ môn Luật kinh tế được tách ra khỏi Khoa Đại cương và thành lập Ban Luật kinh tế, trực thuộc Trường. Trưởng ban Luật Kinh tế là thầy Lê Văn Hưng, thầy cũng đồng thời cũng là một Luật sư (vào thời điểm này, Pháp lệnh Luật sư vẫn cho phép viên chức có thể hành nghề Luật sư).

  1. Thành lập Khoa Luật kinh tế UEH và đào tạo cử nhân Luật

Năm 2000, Trường Đại học Kinh tế tách Khỏi Đại học Quốc gia TPHCM và chính thức mang tên Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Trường Đại học Kinh tế TPHCM bắt đầu chủ trương phát triển hướng đào tạo đa ngành, không còn chỉ giới hạn trong lĩnh vực đào tạo các ngành kinh tế.

Năm 2001, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Quyết định số 314/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 15/01/2001 về việc thành Lập Khoa Luật Kinh tế trực thuộc Trường Đại học Kinh tế TPHCM và giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân Luật cho Trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Sau đó Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã ban hành Quyết định 24/QĐ-ĐHKT/TCHC ngày 15/02/2001 bổ nhiệm TS Lê Văn Hưng, Trưởng Ban Luật Kinh tế làm Trưởng Khoa Luật Kinh tế. Tại thời điểm thành Lập, Khoa có 8 giảng viên được phân vào hai bộ môn là Bộ môn Luật Kinh tế và Bộ môn Luật Đại cương. Đến năm 2008, Bộ môn Luật Quốc tế được thành lập.

Năm 2012, PGS TS Phạm Duy Nghĩa được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Luật. Là một chuyên gia nghiên cứu luật và chính sách công, sau khi được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa, PGS TS Phạm Duy Nghĩa đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển Khoa Luật UEH. Khoa chính thức đổi tên từ Khoa Luật kinh tế thành Khoa Luật từ năm 2013 (Theo Quyết định 2106/QĐ-ĐHKT-TCHC ngày 1/7/2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM về việc đổi tên Khoa Luật kinh tế). Thực hiện chủ trương đổi mới chương trình đào tạo của UEH theo chuẩn mực quốc tế, Khoa cũng bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo đại học tiến tiến quốc tế trên cơ sở tham khảo chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo của Khoa Luật Đại học Melbour (Úc). Khoa công bố chuẩn đầu ra cam kết với người học. Một số hoạt động Khoa học của Khoa được khởi động với các Hội thảo, Toạ đàm như: toạ đàm Hội thảo “Khía cạnh pháp lý trong mua bán, sáp nhập doanh nghiệp” tại Khoa luật Trường Đại học Kinh tế TP. HCM ngày 8/10/2010; tọa đàm “Các hình thức hợp tác của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân”, do Khoa luật Đại học Kinh tế TP. HCM phối hợp với Cơ quan phát triển Đức tổ chức Ngày 27/10/2012, Tọa đàm về chiến lược phát triển khoa luật UEH, Vũng Tàu 19-20/12/2015, Hội thảo Đánh giá thực hiện chương trình tiên tiến Khoa luật UEH ngày 8/5/2017… Cũng trong thời gian này, một số giảng viên đã được đưa đi tham gia các khoá đào tạo tiến sĩ ở trong và ngoài nước. Các hoạt động nghiên cứu và công bố cũng được phát triển.

Năm 2020, Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) bắt đầu thực hiện chương trình tái cấu trúc theo hướng trở thành một Đại học đa ngành phát triển bền vững. Trong lộ trình tái cấu trúc đó, năm 2021, UEH đã thành lập 3 trường thành viên trên cơ sở các Khoa, Viện, trong đó có Trường Kinh tế Luật và quản lý Nhà nước UEH (viết tắt là CELG – tên tiếng Anh là UEH – College of Economics, Law and Government) với định hướng phát triển thành một trung tâm nghiên cứu liên ngành, trong đó có Luật – Kinh tế và quản lý Nhà nước.

Tại thời điểm năm 2022, Khoa Luật UEH có 22 giảng viên cơ hữu được chia đều vào 4 bộ môn: Luật đại cương, Luật kinh tế, Luật quốc tế và Luật và phát triển. Khoa có 1 Trưởng Khoa, 1 Phó Trưởng Khoa, 4 Trưởng bộ môn. Bộ phận giúp việc gồm 2 thư ký. 

 Trong trào lưu cải cách quản trị đại học đang diễn ra mạnh mẽ tại UEH, được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Nhà trường, thực hiện chủ trương chung của toàn trường, cộng đồng học viên và giảng viên Khoa Luật UEH đang từng bước, kiên định và chắc chắn, thực hiện các cam kết nhằm đổi mới chất lượng học và nghiên cứu, giảng dạy tại Khoa.

Thứ nhất, Khoa Luật đã công bố một Bộ chuẩn đầu ra (Learning Outcomes), được hiểu là những kỹ năng, kiến thức, phẩm chất và thái độ của người học cần phải có khi nhận tấm bằng Cử nhân Luật UEH. Tất cả các môn học phải giải thích rõ sẽ đóng góp vào việc đạt được một hay nhiều trong số 6 chuẩn đầu ra này bằng những cách nào và với mức độ nào.

Thứ hai, căn cứ vào Bộ chuẩn đầu ra đã công bố như một cam kết của Khoa Luật UEH với xã hội, các Chương trình đào tạo mới, nhất quán cho tất cả các hình thức đào tạo đã được UEH thông qua. Cử nhân Luật UEH cần phải tích lũy 18 môn học cốt lõi, làm nền tảng cho người hành nghề luật, sau các môn học bắt buộc đó mới tính tới các môn học tự chọn được thiết kế linh hoạt phù hợp với nhu cầu của người học.

Thứ ba, từng giảng viên Khoa Luật UEH cam kết hàng năm phải công bố các công trình nghiên cứu, dù là bài đăng trên tạp chí hay một công trình khoa học được trình bày tại các hội thảo trong và ngoài nước. Từ 2016, nhóm học liệu của Khoa Luật UEH hàng năm sẽ cung cấp tuyển tập các văn bản pháp luật và án lệ Việt Nam, cùng tham khảo với giáo trình và bài đọc quốc tế, học viên phải làm quen dần với môi trường học tập toàn cầu. Đọc hiểu tiếng Anh trở thành một yêu cầu căn bản đối với cả thầy và trò.

Thứ tư, trong bối cảnh rất có hạn về tất cả các nguồn lực vật chất và con người, tài sản lớn nhất của Khoa Luật UEH là sự đoàn kết, chia sẻ các giá trị chung cần hướng tới của toàn trường. Sự thay đổi mạnh mẽ của UEH cuốn theo sự thay đổi của tất cả các khoa, sự thay đổi của từng khoa hối thúc mỗi giảng viên và học viên phải thay đổi cách học và cách nghiên cứu, giảng dạy. Sự phân chia bộ môn trở thành tương đối, giảng viên phải tự liên kết thành các nhóm đa dạng để chia sẻ thông tin và kiến thức, từ đó hy vọng mới tạo ra sức mạnh tập thể nhằm định hình bản sắc riêng của Khoa Luật UEH trong khu vực phía Nam.

Thứ năm, một cộng động cựu học viên Khoa Luật UEH đang từng bước hình thành, với một Quỹ khuyến học khiêm tốn, song bắt đầu cấp những học bổng đầu tiên tiếp sức cho sinh viên nghèo vượt khó. Một Câu lạc bộ Pháp lý, những phiên tòa giả định, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và đa dạng các sinh hoạt của sinh viên đang hình thành, góp phần định dạng dần bản sắc của Cộng đồng Cử nhân Luật UEH. Thế hệ đàn anh quay trở lại nâng đỡ những thế hệ đàn em, một mái nhà có tôn ti trật tự, nhân văn và nghĩa tình đang từng bước hình thành.

Về quy mô đào tạo: Hiện nay khoa Luật đào tạo các chuyên ngành sau:

  • Cử nhân Luật chính quy, ngành Luật Kinh tế: 170 sinh viên/năm
  • Cử nhân luật chính quy, Ngành luật (chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế): 50 sinh viên/ năm
  • Cử nhân văn bằng 2 chính quy: 150-200 sinh viên/năm
  • Thạc sĩ Luật kinh tế và (bao gồm cả hướng nghiên cứu và ứng dụng): 150 học viên/năm
  • Thạc sĩ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính: 30 học viên/ năm
  • Tiến sĩ Luật Kinh tế: 2-3 NCS/năm

Nhìn lại để đi tới, Khoa Luật UEH xác định những mục tiêu phát triển thận trọng, từ phía giảng viên, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại một chất lượng đào tạo ngày càng có trách nhiệm hơn với người học. Người Phương Nam phóng khoáng, năng động và vững tin trong hội nhập toàn cầu những mong có được các trường dạy luật xứng đáng với tầm vóc ấy. Đó cũng là cam kết và thái độ phục vụ trước cộng đồng của Khoa Luật UEH chúng tôi.

UEH School of Law

Ganas69 Uber77 Gacor77